CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA CÔNG TY CỔ PHẦN

Nguồn ảnh: Freepik

1.  Định nghĩa, đặc điểm công ty cổ phần:

Điều 111 Luật Doanh nghiệp quy định về Công ty Cổ phần là doanh nghiệp có:

– Vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần;

– Cổ đông có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng cổ đông tối thiểu là 03 và không hạn chế số lượng tối đa;

– Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp;

– Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 120 và khoản 1 Điều 127 của Luật này.

Từ đó, có thể thấy Công ty Cổ phần khác với Công ty TNHH ở 02 điểm chính sau đây:

– Không giới hạn số lượng thành viên là chủ sở hữu trong công ty (cổ đông công ty) – đây  là đặc trưnggiúp cho Công ty Cổ phần được phép huy động vốn từ nhiều nguồn, nhiều đối tượng khác nhau.

– Chủ sở hữu là Cổ đông trong Công ty cổ phần chia làm 02 loại:

+ Cổ đông có quyền biểu quyết và;

+ Cổ đông không có quyền biểu quyết.

Trong đó, chỉ có cổ đông có quyền biểu quyết mới có quyền tham gia quyết định hoạt động của công ty.

Trong khi đó, đối với Công ty TNHH, tất cả các thành viên góp vốn (dù thực hiện góp vốn ít hay nhiều) đều có quyền tham gia quyết định hoạt động của công ty. Như vậy, tại Công ty Cổ phần có sự phân định rõ về thành phần cổ đông và loại cổ phần cổ đông sở hữu, giúp phản ánh rõ ràng hơn về năng lực tài chính của cổ đông quyết định quyền hạn của cổ đông trong công ty, từ đó phát sinh nhiều vấn đề tranh cãi xoay quanh câu chuyện cổ đông lớn và cổ đông nhỏvà vấn đề  “thực quyền” trong Công ty Cổ phần.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 137 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về cơ cấu tổ chức công ty cổ phần thì công ty cổ phần có quyền lựa chọn một trong hai mô hình tổ chức:

Trường hợp này ít nhất 20% số thành viên Hội đồng quản trị phải là thành viên độc lập và có Ủy ban kiểm toán trực thuộc Hội đồng quản trị. Cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban kiểm toán quy định tại Điều lệ công ty hoặc quy chế hoạt động của Ủy ban kiểm toán do Hội đồng quản trị ban hành.

Theo quy định trong Luật Chứng khoán thì công ty đại chúng là công ty cổ phần khi đáp ứng đầy đủ những yêu cầu được quy định tại Điều 32 của Luật này. Tại Điều 11 của Thông tư 116/2020/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 155/2020/NĐ-CP thì cơ cấu tổ chức quản lý, quản trị và kiểm soát của Công ty đại chúng bao gồm: Đại hội đồng cổ đông; Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát (trường hợp công ty tổ chức quản lý và hoạt động theo mô hình điểm a khoản 1 Điều 137 Luật Doanh nghiệp); Ủy ban kiểm toán trực thuộc Hội đồng quản trị (trường hợp công ty tổ chức quản lý và hoạt động theo mô hình điểm b khoản 1 Điều 137 Luật Doanh nghiệp; Giám đốc (Tổng giám đốc). Có thể thấy, mô hình của công ty đại chúng là sự kết hợp giữa hai mô hình 01 và mô hình 02, mô hình này bao gồm có ban kiểm soát, ủy ban kiểm toán và có thành viên độc lập.

2. Các chức năng của mỗi đơn vị trong công ty cổ phần như sau:

2.1. Về chức năng của Đại hội đồng cổ đông:

Quyền và nghĩa vụ của Đại hộ đồng cổ đông được quy định tại Khoản 2 Điều 138 Luật Doanh nghiệp 2020. Có thể hiểu, quyền của cổ đông là quyền của chủ thể sở hữu cổ phần trong công ty cổ phần, được phát sinh khi các chủ thể này góp vốn mua cổ phần tạo nên vốn điều lệ của công ty. Nếu căn cứ vào tính chất kinh tế, các quyền của cổ đông trong công ty cổ phần có thể chia thành:

(i) Các quyền mang tính kinh tế (quyền tài sản) như: Quyền được hưởng cổ tức, quyền được ưu tiên mua cổ phần mới chào bán, quyền yêu cầu công ty mua lại cổ phần, quyền được phân chia tài sản khi công ty chấm dứt hoạt động và quyền chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác.

(ii) Các quyền không mang tính kinh tế của cổ đông như: Quyền tham dự và biểu quyết tại Đại hội đồng cổ đông, quyền tiếp cận thông tin, quyền triệu tập cuộc họp, quyền đề cử người quản lý, quyền yêu cầu hủy bỏ nghị quyết Đại hội đồng cổ đông hoặc quyết định, nghị quyết của Hội đồng quản trị, quyền khởi kiện người quản lý công ty (khoản 2 Điều 138 Luật Doanh nghiệp).

Thực tế, có thế thấy Đại hội đồng cổ đông không phải là cơ quan thường trực giải quyết tất cả các vấn đề phát sinh trong Công ty Cổ phần, theo quy định tại Khoản 1 Điều 139 Luật Doanh nghiệp 2020 thì cuộc họp Đại hội đồng cổ đông tổ chức thường niên mỗi năm một lần. Chính vì như vậy nên hầu hết các vấn đề quan trọng liên quan đến định hướng phát triển công ty sẽ được Đại hội đồng cổ đông thông qua mà không đưa ra quyết định trực tiếp giống Hội đồng quản trị.

2.2. Về chức năng của Hội đồng quản trị:

Quyền và nghĩa vụ của Hội đồng quản trị được quy định tại Điều 153 Luật Doanh nghiệp 2020.

Hội đồng quản trị chuẩn bị tất cả các khâu trong quá trình họp Đại hội đồng cổ đông nên sự ảnh hưởng, tác động của Hội đồng quản trị đến Đại hội đồng cổ đông là rất lớn, Hội đồng quản trị là bộ phận nắm rất rõ, tường tận và đánh giá được tình hình của Công ty Cổ phần. Trái lại, đối với cổ đông khi đến họp, họ có thể chỉ biết đến những nội dung họp mà đã được Hội đồng quản trị chuẩn bị sẵn, không có thời gian nghiên cứu hồ sơ cũng như những tài liệu chi tiết trực tiếp ảnh hưởng đến Công ty, và một trong những vấn đề quan trọng mà cổ đông quan tâm chính là vấn đề mình được chia bao nhiêu cổ tức, có được bao nhiêu lợi nhuận chứ không quá quan tâm đến việc tổ chức, vận hành của Công ty.

Trên thực tế, Hội đồng quản trị sẽ là cơ quan đưa ra kiến nghị loại cổ phần và tổng số cổ phần được quyền chào bán của từng loại để kiến nghị lên Đại hội đồng cổ đông để Đại hội đồng cổ đông xem xét và quyết định loại cổ phần và tổng số cổ phần của từng loại được quyền chào bán; quyết định mức cổ tức hằng năm của từng loại cổ phần. Nhận thấy, Hội đồng quản trị sẽ là cơ quan chịu trách nhiệm hầu hết tất cả các quyết định được đưa ra vì với tư cách là cơ quan quản lý công ty Hội đồng quản trị sẽ hiểu và nắm rõ tình hình của công ty nhằm đưa ra các quyết định phù hợp với thực tiễn. Đại hội đồng cổ đông là cơ quan xem xét, thông qua và đưa ra nhiều quyết định quan trọng mà theo quy định của Luật Doanh nghiệp tại khoản 1 Điều 153 sẽ có những quyền và nghĩa vụ chỉ quy định dành riêng cho Đại hội đồng cổ đông. Như vậy có thể thấy là trên thực tế cơ quan có thực quyền chính là Hội đồng quản trị.

2.3. Về chứng năng của thành viên độc lập thuộc Hội đồng quản trị:

Trong Luật doanh nghiệp 2020 không quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của thành viên độc lập thuộc hội đồng quản trị. Tuy nhiên, các quy định liên quan đến số lượng và điều kiện để trở thành thành viên độc lập được quy định tại Điều 154 và khoản 2 Điều 155 Luật doanh nghiệp 2020. Thành viên độc lập có thế hiểu là thành viên thuộc Hội đồng quản trị, thực hiện chức năng giám sát và tổ chức thực hiện kiểm soát đối với việc quản lý điều hành công ty. Trong trường hợp, Công ty cổ phần tổ chức theo mô hình không có ban kiểm soát thì thành viên độc lập hội đồng quản trị này sẽ hoạt động tương tự như ban kiểm soát. Thành viên độc lập hội đồng quản trị thực hiện việc giám sát và tổ chức thực hiện việc kiểm soát đối với việc quản lý điều hành công ty. Cụ thể như, giám sát Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc trong việc quản lý và điều hành công ty; Kiểm tra tính hợp lý, hợp pháp, tính trung thực và mức độ cẩn trọng trong quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh; tính hệ thống, nhất quán và phù hợp của công tác kế toán, thống kê và lập báo cáo tài chính…

2.4. Về chức năng của Ban kiểm soát:

Quyền và nghĩa vụ của Ban kiểm soát được quy định tại Điều 170 của Luật doanh nghiệp năm 2020 với 02 vai trò chính trong công ty cổ phần như sau:

+ Giám sát việc quản trị nội bộ và hoạt động kinh doanh của công ty, can thiệp vào hoạt động công ty khi cần thiết;

+ Xem xét, thẩm định công tác kế toán và báo cáo tài chính của công ty.

2.5. Về chức năng của Ủy ban kiểm toán:

Căn cứ theo khoản 1 Điều 161 Luật doanh nghiệp 2020, chức năng của Ủy ban kiểm toán là công bố các kết quả tài chính từ báo cáo tài chính của công ty, cũng như kiểm tra những sai sót, tính chính xác và khách quan nhằm giúp các cổ đông có thể nắm bắt và thực hiện các hoạt động điều chỉnh tài chính phù hợp. Ngoài ra, hoạt động của Ủy ban kiểm toán còn là xem xét, kiểm tra, thăm dò quá trình thực hiện các quy định pháp luật, điều lệ công ty, dự đoán được các rủi ro có khả năng xảy đến với công ty và đưa ra các phương án dự phòng giải quyết. Bên cạnh đó, các chức năng khác của ban kiểm toán còn bao gồm các công việc liên quan đến hoạt động rà soát giao dịch với người có liên quan nhằm kiểm soát được nguồn tài chính, tránh lạm dụng chức vụ, quyền hạn; giám sát hoạt động của bộ phận kiểm toán là khách quan, đúng trách nhiệm; kiến nghị, mức thù lao và điều khoản liên quan đến hợp đồng với công ty kiểm toán độc lập.

Cơ sở pháp lý:

– Luật Doanh nghiệp 2020 số 59/2020/QH14;

– Luật Chứng khoán năm 2019 số 54/2019/QH14;

– Nghị định 155/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Chứng khoán;

– Thông tư 116/2020/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 155/2020/NĐ-CP.

Viết bởi Hoàng Yến, Phạm Tuyền, Cẩm Tiên, Quỳnh Như (AGL’s Intern)