NHỮNG RỦI RO PHÁP LÝ MÀ CHỦ NUÔI THÚ CƯNG CÓ THỂ GẶP PHẢI

NHỮNG RỦI RO PHÁP LÝ MÀ CHỦ NUÔI THÚ CƯNG CÓ THỂ GẶP PHẢI

Nguồn ảnh: Freepik

Câu chuyện thú cưng – chủ nuôi và trách nhiệm đối với cộng đồng đang là chủ đề tranh luận sôi nổi trong những năm gần đây. Đã có nhiều mâu thuẫn, xung đột xoay quanh câu chuyện này. Cũng mới đây, lại thêm một sự việc liên quan đến thú cưng xảy ra tại một chung cư ở quận 7 gây xôn xao dư luận.

Theo thông tin ghi nhận, ngày 02/02/2023, anh Đ.V.T (28 tuổi, ngụ quận 7) dắt chó xuống sảnh chung cư và không rọ mõm, không xích. Lúc này, anh N.H.D (34 tuổi, cùng ngụ chung cư) dẫn con trai đi vào sảnh chờ thang máy ở chung cư. Con chó của T. cũng ở đây và liên tục tiến gần tới chỗ con trai anh D. Lo sợ con trai bị chó cắn, anh D dùng chân đẩy con chó ra thì bị T. đấm mạnh vào mặt. Mắt kính của anh Dũng vỡ và đâm vào mắt gây chảy máu (phải khâu năm mũi), vỡ mảnh răng cửa hàm dưới trái, ngực trái có vết sưng. Ngày 06/02, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận 7 thụ lý điều tra vụ án, ngày 07/02, văn phòng UBND TP.HCM có công văn gửi UBND quận 7 chỉ đạo xử lý.

Những tranh cãi về nuôi thú cưng tại chung cư cũng như những sự việc đáng tiếc như trên đang bắt đầu diễn ra thường xuyên hơn trong đời sống phần nào khiến các chủ nuôi thú cưng cần phải nhìn nhận lại rủi ro có thể xảy ra khi chúng ta nuôi thú cưng trong khu đô thị, chung cư.

Vậy chủ nuôi có thể gặp phải những rủi ro pháp lý gì khi không có biện pháp phòng ngừa cho thú cưng của mình?

Theo quy định tại Điều 66 Luật Chăn nuôi 2018 quy định về Quản lý nuôi chó, mèo như sau:

Chủ nuôi chó, mèo phải thực hiện các yêu cầu sau đây:

1. Thực hiện tiêm phòng bệnh dại cho chó, mèo theo quy định của pháp luật về thú y;

2. Khi nghi ngờ chó, mèo có triệu chứng bệnh dại phải báo ngay cho Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc cán bộ chăn nuôi, thú y cơ sở và thực hiện xử lý theo quy định của pháp luật về thú y;

3. Có biện pháp bảo đảm an toàn cho người và vật nuôi khác, giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y;

4. Trường hợp chó, mèo tấn công, gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Thông tư 07/2016/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn, chủ nuôi chó, mèo (gọi chung là chủ vật nuôi) nêu rõ phải đăng ký việc nuôi chó với UBND cấp xã tại các đô thị, nơi đông dân cư. Xích, nhốt hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình; bảo đảm vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng xấu tới người xung quanh. Khi đưa chó ra nơi công cộng phải bảo đảm an toàn cho người xung quanh bằng cách đeo rọ mõm cho chó hoặc xích giữ chó và có người dắt.

Trường hợp chủ nuôi không tuân thủ các quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo thì có thể đối mặt với những hậu quả pháp lý sau:

(1) Trường hợp chủ của chó mèo không thực hiện việc tiêm phòng vắc xin phòng bệnh Dại cho động vật bắt buộc. Thì căn cứ điểm a Khoản 2 Điều 7 Nghị định 90/2017/NĐ-CP (sửa đổi bởi khoản 3 Điều 2 Nghị định 04/2020/NĐ-CP) thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính mức phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng. Mức phạt nêu trên được áp dụng đối với cá nhân, trường hợp chủ thể có hành vi vi phạm là tổ chức thì mức phạt là gấp đôi (căn cứ Khoản 3 Điều 3 Nghị định 07/2022/NĐ-CP).

(2) Trường hợp không tiêm phòng, không quản lý chó mèo nơi công cộng để chó mèo cắn người thì phải chịu trách nhiệm:

– Bồi thường thiệt hại do gia súc gây ra, quy định tại Điều 603 BLDS 2015:

“Điều 603. Bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra

1. Chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác. Người chiếm hữu, sử dụng súc vật phải bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm hữu, sử dụng súc vật, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

2. Trường hợp người thứ ba hoàn toàn có lỗi làm cho súc vật gây thiệt hại cho người khác thì người thứ ba phải bồi thường thiệt hại; nếu người thứ ba và chủ sở hữu cùng có lỗi thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.

3. Trường hợp súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật gây thiệt hại thì người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật phải bồi thường; khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng súc vật có lỗi trong việc để súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.

4. Trường hợp súc vật thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu súc vật đó phải bồi thường theo tập quán nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.”

– Trường hợp gây thương tích, chủ nuôi có thể chịu trách nhiệm về tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại Điều 134 BLHS 2015.

– Nếu chó mèo cắn người dẫn đến chết người, chủ vật nuôi có thể bị xử lý hình sự về tội vi phạm quy định về an toàn ở nơi công cộng quy định tại Điều 295 BLHS 2015. Theo đó trong trường hợp chó cắn chết người thì người nuôi chó có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Hoặc trường hợp nghiêm trọng, có thể bị khởi tố về tội “Vô ý làm chết người” theo Khoản 1 Điều 128 BLHS 2015:

“Điều 128. Tội vô ý làm chết người

1. Người nào vô ý làm chết người, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.”

(3) Không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng theo quy định tại Nghị định số 90/2017/NĐ-CP quy định xử phạt về vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y.

(4) Chủ nuôi thả rông vật nuôi trong đô thị, nơi công cộng, xâm lấn lòng đường, vỉa hè, vườn hoa, sân chơi, đô thị, nơi sinh hoạt chung trong khu dân cư, khu đô thị Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng (Điều 7 Nghị định số 144/2017/NĐ-CP).

(5) Để động vật nuôi gây thương tích hoặc gây thiệt hại tài sản cho tổ chức, cá nhân khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 (Điều 7 Nghị định số 144/2017/NĐ-CP).

(6) Không đủ dụng cụ đựng chất thải của súc vật hoặc không dọn sạch chất thải của súc vật thải ra đường, hè phố sẽ bị phạt tiền từ 60.000 đồng đến 100.000 đồng theo quy định tại Điều 10 Nghị định 100/2019/NĐ-CP.

Trên đây chỉ là một số trường hợp phổ biến đang diễn ra hằng ngày mà các chủ nuôi có thể vì sự chủ quan của mình hoặc do thói quen sống, chưa tiếp cận được những thông tin cần thiết nên chưa có biện pháp khắc phục kịp thời. Để bảo vệ cho chính bản thân, thú cưng cũng như cộng đồng, chủ vật nuôi có thể thực hiện những công việc sau:

  • Tuân thủ các quy định pháp luật về Quản lý vật nuôi;
  • Chủ vật nuôi nên đeo vòng cổ cho vật nuôi của mình với mã định danh hoặc tên, địa chỉ của chủ vật nuôi để mọi người có thể nhận biết chó, mèo của ai khi chó, mèo bị lạc hoặc khi xảy ra vấn đề thì có thể liên lạc được với chủ vật nuôi.
  • Lựa chọn nơi ở cho phép nuôi thú cưng tránh gây ảnh hưởng đến dân cư xung quanh.
  • Khi nuôi thú cưng trong nhà ở khu chung cư, chủ nuôi phải có những biện pháp như chống ồn, có khu ở riêng biệt cho thú cưng và phải được vệ sinh thường xuyên, sạch sẽ, xử lý chất thải, lông từ thú cưng.
  • Kiểm tra sức khỏe định kỳ cho thú cưng để đảm bảo thú cưng luôn khỏe mạnh, ngăn chặn được các mầm bệnh có thể gây ra dịch bệnh không mong muốn.
  • ….

Vật nuôi có thể đối với nhiều người không còn là con vật thông thường mà đã trở thành một thành viên trong gia đình. Việc dành thời gian bên thú cưng có thể giúp con người cải thiện được cảm xúc, giảm áp lực và gia tăng các chất kích thích sự thư giãn. Chúng ta yêu thương vật nuôi, xem chúng là người bạn đồng hành, nhưng tình yêu đó cũng cần phải có trách nhiệm với cộng đồng và với chính vật nuôi của chúng ta.

Cơ sở pháp lý:

  • Luật Chăn nuôi số 32/2018/QH14;
  • Bộ luật dân sự số 91/2015/QH13;
  • Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13;
  • Thông tư 07/2016/TT-BNNPTNT quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành;
  • Nghị định 07/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp; bảo vệ và kiểm dịch thực vật; thú y; chăn nuôi;
  • Nghị định số 90/2017/NĐ-CP quy định xử phạt về vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y;
  • Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình;
  • Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

Viết bởi Hoàng Yến, Phan Tuyền, Cẩm Tiên (AGL’s Intern)