Bảo Hộ Quyền Sở Hữu Trí Tuệ Đối Với Doanh Nghiệp Start-up

1. Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ

Khi bắt đầu bước chân vào thị trường kinh doanh, một trong những yếu tố mà doanh nghiệp start-up quan tâm đó chính là định hình thương hiệu trong mắt khách hàng. Thuật ngữ “thương hiệu” thường được sử dụng trong đời sống thường ngày; trong lĩnh vực pháp luật, thuật ngữ này cũng được nhắc đến khá nhiều trong các đạo luật, tuy nhiên, khái niệm “thương hiệu” lại chưa được quy định cụ thể tại văn bản pháp lý nào. Theo định nghĩa trong lĩnh vực marketing thì “Thương hiệu là một sản phẩm, dịch vụ hay tổ chức có tên gọi, nhận diện và uy tín đã được công nhận. Thương hiệu cũng có thể là tập hợp các khía cạnh thuộc về cách mà khách hàng nhìn nhận về một công ty, một sản phẩm, dịch vụ nào đó. Các khía cạnh này sẽ bao gồm: mô tả nhận diện (brand identities), giá trị (brand values), thuộc tính (brand attributes), cá tính (brand personality). Thương hiệu ràng buộc với người tiêu dùng qua mối quan hệ thương hiệu-người tiêu dùng (brand-consumers relationship)”. Vậy Tài sản trí tuệ và Thương hiệu có mối tương quan gì với nhau không?

Tài sản trí tuệ là loại tài sản vô hình, có thể được hiểu là các sản phẩm được hình thành, tạo ra từ trí tuệ của con người thông qua các hoạt động tư duy, sáng tạo trong các lĩnh vực công nghiệp, khoa học, văn học và nghệ thuật. Tài sản trí tuệ của doanh nghiệp cũng có thể trở thành thương hiệu làm nên tên tuổi của doanh nghiệp đó. Chính vì vậy, việc đầu tư cho công tác bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với tài sản trí tuệ ngay từ những ngày đầu thành lập của doanh nghiệp vừa có ý nghĩa giúp tạo dựng thương hiệu vừa đảm bảo chặt chẽ về mặt pháp lý, phòng ngừa được các rủi ro có thể phát sinh trong tương lai trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

Quyền sở hữu trí tuệ được quy định tại khoản 1 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019 như sau: “Quyền sở hữu trí tuệ là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng”. Theo đó, quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng được quy định lần lượt tại khoản 2,4,5 Điều 4 Luật này như sau:

“2. Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu.”

“4. Quyền sở hữu công nghiệp là quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh.”

“5. Quyền đối với giống cây trồng là quyền của tổ chức, cá nhân đối với giống cây trồng mới do mình chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển hoặc được hưởng quyền sở hữu.”

Xác định được loại tài sản trí tuệ nào trong doanh nghiệp có thể được bảo hộ và thực hiện đăng ký việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với loại tài sản đó sẽ góp phần tạo nên ưu thế phát triển thương mại hóa tài sản trí tuệ của doanh nghiệp. Theo Báo cáo thống kê của Ủy ban Châu Âu năm 2020 thì: Doanh nghiệp vừa và nhỏ sở hữu 01 quyền sở hữu trí tuệ được bảo hộ có doanh thu cao hơn 20% so với các doanh nghiệp không có quyền sở hữu trí tuệ[1].

2. Những lợi ích mà một doanh nghiệp khởi nghiệp có được đến từ việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ:

– Xây dựng được biện pháp ngăn chặn phòng ngừa các đối thủ cạnh tranh không lành mạnh;

– Huy động được nguồn vốn đầu tư khi các nhà đầu tư thấy được tính pháp lý minh bạch, chiến lược phát triển thương hiệu ngay từ những ngày đầu vận hành doanh nghiệp thông qua việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ;

–  Đăng ký quyền sở hữu trí tuệ giúp doanh nghiệp quảng bá sản phẩm hiệu quả hơn. Mỗi doanh nghiệp cần xây dựng cho mình một chiến lược quảng bá sản phẩm cụ thể để lấy lòng tin nơi khách hàng. Nếu biết sản phẩm được bảo hộ thì lòng tin của khách hàng dành cho doanh nghiệp lại càng được khẳng định. Như vậy, bằng việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp sẽ tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng và còn giúp tìm kiếm những khách hàng tiềm năng.

– Trường hợp có tranh chấp về tài sản trí tuệ, doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được nguồn lực, chi phí, và thời gian trong việc chứng minh quyền của mình đối với tài sản trí tuệ, do đã đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trước đó.

3 Hệ quả nếu bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ

Hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không chỉ gây hậu quả tiêu cực cho người nắm giữ quyền bị xâm phạm mà còn ảnh hưởng đến lợi ích của người tiêu dùng, cũng như ảnh hưởng tiêu cực đối với xã hội. Việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ảnh hưởng trực tiếp đến chủ thể quyền, bị tổn hại giảm thị phần, giảm lợi nhuận, làm suy giảm lòng tin của khách hàng vào sản phẩm và gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích chính đáng của người tiêu dùng.

Đặc biệt là đối với các doanh nghiệp start-up, việc xây dựng thương hiệu ban đầu tốt đối với người tiêu dùng là một điểm cộng. Nếu bị các đối thủ cạnh tranh không lành mạnh, sản xuất các hàng nhái, hàng giả thương hiệu của doanh nghiệp tràn lan trên thị trường sẽ ảnh hưởng đến doanh số của doanh nghiệp cũng như gây ra sự hiểu lầm không đáng có.

Như vậy, doanh nghiệp mới thành lập cần quan tâm đến tài sản trí tuệ của mình vì đó là một trong những nhân tố định hình thương hiệu của doanh nghiệp trên thị trường kinh doanh. Tài sản trí tuệ được coi là động lực của cạnh tranh trong lĩnh vực kinh tế; động lực của đổi mới, sáng tạo trong lĩnh vực nghiên cứu; động lực của phát triển trong xã hội nói chung. Với xu thế hội nhập, toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ và những biến động có khả năng ảnh hướng tới cục diện toàn cầu như hiện nay thì cạnh tranh giữa các nền kinh tế chính là cạnh tranh về tài sản trí tuệ.


[1] Tài liệu Hội thảo “Thương mại hóa tài sản trí tuệ cho SMEs” tổ chức tại Vladivostok, Russia ngày 10-12/9/2019.

https://www.apec.org/Publications/2020/04/Intellectual-Property-Commercialization-for-SMEs