Thủ Tục Thuế Sau Khi Thành Lập Doanh Nghiệp

Thuế là một khoản thu bắt buộc, không bồi hoàn trực tiếp của Nhà nước đối với các tổ chức và các cá nhân nhằm đáp ứng nhu cầu chi tiêu của Nhà nước vì lợi ích chung. Trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp cần phải nộp các loại thuế sau:

– Thứ nhất: Lệ phí môn bài

Lệ phí môn bài là một khoản tiền mà tổ chức sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và hộ gia đình, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh phải nộp định kỳ hàng năm dựa trên vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư hoặc doanh thu theo năm.

Căn cứ Nghị định 139/2016/NĐ/CP sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 22/2020/NĐ-CP về hướng dẫn kê khai, nộp lệ phí môn bài thì:

  • Thời hạn kê khai thuế chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng bắt đầu hoạt động kinh doanh.
  • Trường hợp doanh nghiệp mới thành lập nhưng chưa có hoạt động sản xuất kinh doanh thì thời hạn nộp lệ phí môn bài chậm nhất trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc ngày cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và đăng ký thuế.
  • Mức thu lệ phí môn bài đối với tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh như sau: Tổ chức có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư trên 10 tỷ đồng là 3.000.000 đồng/năm; Tổ chức có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư từ 10 tỷ đồng trở xuống là 2.000.000 đồng/năm; Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế khác là 1.000.000 đồng/năm.

Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 3 Nghị định 139/2016/NĐ/CP sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 22/2020/NĐ-CP thì hộ kinh doanh, doanh nghiệp sẽ được miễn lệ phí môn bài trong năm đầu tiên thành lập.

Thứ 2: Thuế thu nhập doanh nghiệp

Thuế thu nhập doanh nghiệp là một loại thuế trực thu, đánh trực tiếp vào phần thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp sau khi đã trừ đi các khoản chi phí hợp lý.

Căn cứ Điều 10, Điều 13 và Điều 14 Luật thuế thu nhập doanh nghiệp 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2013, 2014 căn cứ tính thuế thu nhập doanh nghiệp dựa trên thu nhập tính thuế và thuế suất, trong đó:

  • Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 22%
  • Doanh nghiệp có tổng doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng thì áp dụng thuế suất 20%
  • Thuế suất thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí và tài nguyên quý hiếm khác tại Việt Nam từ 32% đến 50% phù hợp với từng dự án, từng cơ sở kinh doanh.
  • Bên cạnh đó, căn cứ vào Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ 2017, các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ được áp dụng có thời hạn mức thuế suất thu nhập doanh nghiệp nhỏ hơn mức thuế suất thông thường nêu trên.

– Thứ ba: Thuế giá trị gia tăng

Thuế giá trị gia tăng là loại thuế tính trên giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng. Thuế giá trị gia tăng được tính theo phương pháp khấu trừ và phương pháp trực tiếp. Riêng đối với doanh nghiệp mới thành lập từ dự án của cơ sở kinh doanh đang hoạt động sẽ nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ.

Thuế suất giá trị gia tăng đối với các doanh nghiệp sẽ dao động ở các mức 0%, 5%, 10%, tùy thuộc vào loại hàng hóa, dịch vụ cụ thể mà doanh nghiệp kinh doanh.

Thứ tư: Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu

Thuế xuất khẩu, nhập khẩu chỉ khi doanh nghiệp thực hiện hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu mới phải chịu loại thuế này.

Thứ năm: Thuế tài nguyên

Thuế tài nguyên là một loại thuế gián thu, đây là số tiền mà tổ chức, cá nhân phải nộp cho nhà nước khi khai thác tài nguyên thiên nhiên.

Thứ sáu: Thuế tiêu thụ đặc biệt

Doanh nghiệp kinh doanh các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt như thuốc lá, rượu, bia,… phải đóng thuế này theo quy định của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt 2008.

Hồ sơ thuế ban đầu

Hồ sơ kê khai thuế ban đầu là bước quan trọng và cần thiết đối với các doanh nghiệp vừa thành lập. Chi tiết hồ sơ như sau:

  • Tờ khai đăng ký hình thức kế toán và loại hóa đơn sử dụng
  • Bản sao công chứng Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy tờ chứng thực của đại diện theo pháp luật
  • Quyết định bổ nhiệm giám đốc
  • Quyết định bổ nhiệm kế toán
  • Phương pháp trích khấu hao tài sản cố định
  • Phiếu đăng ký thông tin doanh nghiệp (Tùy thuộc vào từng nơi có yêu cầu hay không)
  • Giấy ủy quyền (nếu có)

Các công việc liên quan đến thuế cần phải thực hiện theo quý, tháng, hằng năm

Định kỳ hàng tháng, hàng quý hoặc hàng năm, doanh nghiệp phải thực hiện một số công việc về thuế theo thời hạn nhất định. Các công việc liên quan đến thuế mà doanh nghiệp cần phải thực hiện như sau:

1. Nộp báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn định kỳ

Hàng quý, doanh nghiệp cần phải gửi báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn cho Chi cục Thuế quản lý trực tiếp, kể cả trường hợp trong kỳ không sử dụng hóa đơn.

2. Nộp tờ khai thuế giá trị gia tăng

 Doanh nghiệp khai thuế giá trị gia tăng theo tháng hoặc theo quý. Doanh nghiệp có tổng doanh thu bán hàng hóa và cung cấp dịch vụ của năm trước liền kề từ 50 tỷ đồng trở xuống là đối tượng khai thuế giá trị gia tăng theo quý, các doanh nghiệp không thuộc đối tượng khai thuế giá trị gia tăng theo quý thì thực hiện kê khai theo tháng. Đặc biệt, trong trường hợp doanh nghiệp mới bắt đầu hoạt động sản xuất kinh doanh thì doanh nghiệp khai thuế giá trị gia tăng theo quý.

3. Nộp tờ khai thuế thu nhập cá nhân

Doanh nghiệp khai thuế thu nhập cá nhân theo tháng hoặc theo quý. Nếu trong thời hạn kê khai mà không phát sinh khấu trừ thuế thì không kê khai tháng hoặc quý đó.

4. Nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tạm tính theo quý

Doanh nghiệp thực hiện tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp của quý đó, chậm nhất là vào ngày 30 của quý tiếp theo quý phát sinh nghĩa vụ thuế; doanh nghiệp chỉ phải nộp thuế tạm tính chứ không phải nộp tờ khai thuế.

5. Quyết toán thuế năm đối với thuế thu nhập cá nhân

Doanh nghiệp phải thực hiện quyết toán thuế thu nhập cá nhân chậm nhất là ngày thứ 90 kể từ ngày kết thúc năm tính thuế, doanh nghiệp phải thực hiện quyết toán thuế thu nhập cá nhân dù phát sinh hay không phát sinh khấu trừ thuế trong năm trừ trường hợp doanh nghiệp không phát sinh trả thu nhập từ tiền lương, tiền công thì không phải khai thuế thu nhập doanh nghiệp.

6. Quyết toán thuế năm đối với thuế thu nhập doanh nghiệp

Doanh nghiệp phải nộp hồ sơ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp đến Chi cục Thuế quản lý trực tiếp chậm nhất là ngày thứ 90 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch hoặc năm tài chính.

7. Khai nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp

Doanh nghiệp được Nhà nước giao đất, cho thuê đất phi nông nghiệp để thực hiện dự án đầu tư thì phải có trách nhiệm khai và nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp theo quy định.

Doanh nghiệp nộp tiền sử dụng đất phi nông nghiệp của năm làm 2 kỳ như sau:

  • Kỳ thứ nhất: Chậm nhất là ngày 31 tháng 5 hàng năm
  • Kỳ thứ hai: Chậm nhất là ngày 31 tháng 10 hàng năm

8. Khai nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp hằng năm

Doanh nghiệp sử dụng đất nông nghiệp thì phải có trách nhiệm khai và nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp theo quy định. Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế được xác định như sau:

  • Đất nông nghiệp: Chậm nhất là ngày 10 tháng 01 hàng năm
  • Đất nông nghiệp cho diện tích trồng cây lâu năm thu hoạch một lần: Trong vòng 10 ngày kể từ ngày khai thác sản lượng thu hoạch
  • Có phát sinh tăng, giảm diện tích chịu thuế sử dụng đất nông nghiệp: Chậm nhất là 10 ngày kể từ ngày phát sinh tăng, giảm diện tích đất

Trường hợp doanh nghiệp được miễn hoặc giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp thì phải nộp hồ sơ khai thuế sử dụng đất nông nghiệp cùng giấy tờ liên quan đến việc xác định miễn thuế, giảm thuế của năm đầu tiên và năm tiếp theo năm hết thời hạn miễn, giảm thuế.

Viết bởi AGL Law team