1. Lựa chọn loại hình doanh nghiệp
Nên chọn loại hình doanh nghiệp nào khi thành lập công ty luôn là câu hỏi lớn được hầu hết các cá nhân, tổ chức đặt ra khi bắt đầu khởi nghiệp bởi vì quyền lợi và nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức sẽ luôn gắn liền với loại hình doanh nghiệp mà cá nhân, tổ chức đã lựa chọn để thành lập. Có thể thấy, việc lựa chọn loại hình doanh nghiệp hay còn gọi là mô hình công ty là một trong những tiền đề quan trọng để xác lập các quy chế pháp lý đặc thù đi kèm khi tiến hành hoạt động kinh doanh. Bên cạnh đó, việc lựa chọn hình thức kinh doanh còn ảnh hưởng đến sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, hiện nay có 05 loại hình doanh nghiệp mà cá nhân, tổ chức có thể lựa chọn khi bắt đầu thực hiện kinh doanh gồm:
(1) Doanh nghiệp tư nhân;
(2) Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên;
(3) Công ty Trách nhiệm hữu hạn hai thành viên;
(4) Công ty Cổ phần
(5) Công ty Hợp danh.
Các loại hình doanh nghiệp này đều tồn tại những ưu điểm và nhược điểm riêng, tuy nhiên tùy thuộc vào mục đích kinh doanh, định hướng phát triển doanh nghiệp của mình mà cá nhân, tổ chức có thể tiến hành lựa chọn một trong những loại mô hình nói trên để thực hiện công việc kinh doanh của mình.
2. Tên gọi
Về nguyên tắc, doanh nghiệp phải có tên gọi cụ thể. Với tư cách là một thực thể pháp luật độc lập, doanh nghiệp buộc phải được định danh và đảm bảo được tính xác lập cụ thể của mình khi tham gia vào các giao dịch kinh doanh. Do đó, pháp luật Việt Nam đã có những quy định cụ thể về việc đặt tên cho doanh nghiệp.
Hiện nay, theo quy định của pháp luật, khi đặt tên cho doanh nghiệp cần phải lưu ý một số vấn đề như sau:
– Thứ nhất, tên doanh nghiệp phải được viết bằng tiếng Việt, ngoài ra khi viết bằng tiếng nước ngoài thì phải là tên được dịch từ tên tiếng Việt sang một trong các tiếng nước ngoài thuộc hệ chữ La-tinh theo quy định tại Điều 39 Luật Doanh nghiệp năm 2020; và không thuộc các trường hợp bị pháp luật cấm.
– Thứ hai, tên doanh nghiệp phải được cấu thành từ hai (02) thành tố: tên loại hình doanh nghiệp (chỉ ra hình thức pháp lý của doanh nghiệp đó) và tên riêng (tên gọi giúp phân biệt doanh nghiệp này với các doanh nghiệp khác tồn tại trong nền kinh tế). Tên riêng được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ F, J, Z, W, chữ số và ký hiệu.
3. Địa chỉ trụ sở
Doanh nghiệp khi đưa vào hoạt động phải có trụ sở. Trụ sở kinh doanh của doanh nghiệp được hiểu là nơi doanh nghiệp thực hiện các hoạt động kinh doanh, các giao dịch với đối tác và cũng là nơi mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ tiến hành kiểm tra các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã đưa ra các yêu cầu chặt chẽ đối với quy định về địa chỉ trụ sở của doanh nghiệp như sau:
“Điều 42. Trụ sở chính của doanh nghiệp
Trụ sở chính của doanh nghiệp đặt trên lãnh thổ Việt Nam, là địa chỉ liên lạc của doanh nghiệp và được xác định theo địa giới đơn vị hành chính; có số điện thoại, số fax và thư điện tử (nếu có).”
Tóm lại, địa chỉ của doanh nghiệp khi hoạt động kinh doanh phải nằm trong lãnh thổ Việt Nam. Trụ sở của doanh nghiệp phải có địa chỉ thể hiện cụ thể, rõ ràng các thông tin theo thứ tự về số nhà, tên phường/xã, tên quận/huyện/thành phố và tên tỉnh/thành phố và không được sử dụng địa chỉ giả khi tiến hành giao dịch kinh doanh. Ngoài ra cũng không được đặt địa chỉ công ty ở khu vực cấm hay khu vực hạn chế đặt trụ sở kinh doanh như nhà chung cư, khu tập thể. Bên cạnh đó, một địa chỉ có thể được đặt cho nhiều công ty khác nhau.
Như vậy, khi muốn thành lập một doanh nghiệp, chủ sở hữu phải xác định được nơi mà mình sẽ tiến hành đặt địa chỉ công ty/đặt trụ sở của doanh nghiệp. Vì bên cạnh chức năng là nơi thực hiện các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp thì việc đặt địa chỉ trụ sở của doanh nghiệp còn góp phần tạo nên sự thuận lợi cho các hoạt động kinh doanh, giao dịch và gặp gỡ đối tác, tạo nên cơ sở vững chắc cho sự phát triển lâu dài và bền vững của doanh nghiệp.
4. Ngành nghề kinh doanh
Ngành nghề kinh doanh là các lĩnh vực kinh doanh mà doanh nghiệp có thể thực hiện đăng ký phù hợp với hoạt động kinh doanh trên thực tế của doanh nghiệp. Chủ sở hữu có thể tham khảo chi tiết “Danh mục ngành nghề kinh doanh được ban hành kèm theo Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ngày 06/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ) để tiến hành đăng ký ngành nghề kinh doanh phù hợp với mục đích và thực tiễn hoạt động kinh doanh của mình khi thành lập doanh nghiệp.
Ngoài ra, khi tiến hành đăng ký ngành nghề kinh doanh, chủ sở hữu phải đăng ký lựa chọn ngành nghề kinh doanh chính được quy định bắt buộc trong hồ sơ thành lập doanh nghiệp, ngành nghề kinh doanh chính phải phù hợp với tiêu chí, mục tiêu hoạt động và thực tiễn kinh doanh của doanh nghiệp.
Lưu ý rằng nếu doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề có điều kiện thì phải tiến hành chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để có thể xin được giấy phép đủ điều kiện kinh doanh sau khi mở công ty, rồi mới được tiến hành hoạt động. Trường hợp doanh nghiệp đăng ký ngành nghề kinh doanh không yêu cầu điều kiện thì không cần chuẩn bị điều kiện liên quan mà có thể đi vào kinh doanh ngay sau khi được cấp giấy phép thành lập công ty.
5. Vốn điều lệ
Vốn điều lệ của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật hiện nay là tổng số vốn do các thành viên hoặc các cổ đông góp hoặc cam kết sẽ góp trong một khoảng thời gian nhất định và sẽ được ghi vào Điều lệ công ty. Pháp luật hiện nay không quy định cụ thể về mức vốn điều lệ tối thiểu/tối đa mà doanh nghiệp phải có khi thành lập doanh nghiệp là bao nhiêu (trừ một số ngành nghề có điều kiện quy định vốn điều lệ tối thiểu để có thể hoạt động kinh doanh). Tuy nhiên, khi kê khai vốn điều lệ khi thành lập doanh nghiệp các thành viên hoặc cổ đông cần lưu ý khả năng về tài chính mà thành viên hoặc cổ đông có thể hoàn thành việc góp vốn theo thời gian Luật định để tránh những rắc rối về sau cho doanh nghiệp.
6. Điều lệ công ty
Song song cùng những quy định pháp luật điều chỉnh các vấn đề liên quan đến doanh nghiệp thì Điều lệ công ty được coi như là bản “Hiến pháp” của doanh nghiệp vì đây là một trong những văn bản quan trọng nhất trong việc điều hành, quản lý và kiểm soát hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Điều lệ là bản thỏa thuận giữa những người sáng lập công ty với các cổ đông, thành viên hoặc giữa các thành viên, các cổ đông với nhau để cùng nhau soạn ra các quy định riêng của công ty căn cứ theo nền tảng của quy định pháp luật để ấn định cơ cấu tổ chức, quản lý và điều hành doanh nghiệp. Khi tiến hành hoạt động kinh doanh của mình, bên cạnh việc tuân thủ các quy định của pháp luật thì doanh nghiệp cũng cần phải tuân thủ các quy định của “luật nhà” mà mình đã lập ra.
Viết bởi AGL Law team